Tìm kiếm tin tức
Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”
Ngày cập nhật 15/01/2021

Chiều 23/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp về Đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Sẽ rút ngắn thời gian nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thời gian tới.
 
Theo báo cáo tại cuộc họp, triển khai Nghị định 61, đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận một cửa các cấp để giải quyết TTHC, trong đó có 59/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân, đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn những hạn chế như thẩm quyền giải quyết các TTHC còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực… Ngoài ra, việc bố trí nhân sự tại Bộ phận một cửa còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; các hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến việc giải quyết TTHC còn cục bộ, cắt khúc, chưa có sự kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ…
 
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án thí điểm đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không phân biệt địa giới hành chính. Cụ thể, sẽ mở rộng thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ phận một cửa (tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tất cả các TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, chứ không theo địa giới hành chính); xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới… Đáng chú ý là cho phép thuê doanh nghiệp công ích nhà nước thực hiện dịch vụ đối với một số công việc trong quy trình giải quyết TTHC.
 
Đề án đặt ra mục tiêu hàng năm giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức tại Bộ phận một cửa xuống còn tối đa 30 phút/trường hợp vào năm 2021, đến năm 2023 tối đa còn 15 phút/trường hợp. Với các giải pháp đổi mới thì tính toán sơ bộ cho thấy, tổng số tiền có thể tiết kiệm được là hơn 8.800 tỷ đồng/năm.
 
Lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu vấn đề, cần thí điểm mạnh mẽ với quyết tâm cải cách cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng đơn giản hóa, giảm bớt đầu mối Trung tâm phục vụ hành chính công; cố gắng đưa ra các dịch vụ xã hội hóa để địa phương lựa chọn triển khai. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý nêu cao tinh thần việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính và không nhất thiết địa bàn nào cũng phải có Trung tâm phục vụ hành chính công; quyết liệt thực hiện số hóa dữ liệu…
 
Thục Quyên
Theo: baophapluat.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 295