Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Xây dựng chính quyền thân thiện, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngày cập nhật 27/05/2024

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong danh sách những tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng đầu cả nước. Điều này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua.

 

 

 

Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã tạo đièu kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp


Cuộc đua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang trở nên khốc liệt khi mà hầu hết các tỉnh, thành rất quyết liệt trong các hành động nhằm cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai, minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức…

2 năm trở lại đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa vào chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) góp phần thúc đẩy các tỉnh, thành quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đến nay, 100% TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại…

Tỉnh cũng đã đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý; khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến… giám sát, điều hành, chỉ huy các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống và làm việc của người dân được cải thiện.

Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có những chính sách được triển khai rất sớm như, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số từ năm 2019 ngay từ khi Chính phủ khởi động Đề án “chuyển đổi số Quốc gia”; chính sách hỗ trợ mặt bằng, cải tiến công nghệ; hỗ trợ hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân...

Đối với công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư, việc tỉnh thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cho thấy quyết tâm trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các TTHC liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý TTHC của các sở, ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay: Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, liên thông, số hóa các nền tảng, giảm tiếp xúc trực tiếp. “Chúng tôi quan niệm rằng mỗi một đánh giá không tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế cần khắc phục. Với việc xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của nền kinh tế, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó, chú trọng cải thiện năng lực, thái độ phục cán bộ. Chúng tôi luôn mong muốn nỗ lực của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ doanh nghiệp”, ông Phương nhấn mạnh

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 168