Kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia thành 3 nhóm điểm:
-Nhóm A, đạt Chỉ số CCHC trên 90; bao gồm 06 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu với Chỉ số CCHC đạt giá trị 93,31%; tiếp theo là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Quảng Ninh.
-Nhóm B, đạt Chỉ số CCHC từ 80% đến dưới 90%, gồm 49 tỉnh, thành phố.
-Nhóm C, đạt Chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 80%, gồm có 08 tỉnh, thành phố.
Không có tỉnh nào có kết quả dưới 70%. Tỉnh Điện Biên có kết quả Chỉ số CCHC năm 2014 thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với kết quả là 74,99.
Thừa Thiên Huế có chỉ số giá trị trung bình Par Index năm 2015 đạt 91,14%, xếp thứ 4 nằm trong nhóm A. Đây là sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2014 (tăng 15 bậc so với năm 2014).
Xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhìn lại trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số CCHC từ năm 2012 đến năm 2015 thì chỉ số CCHC của tỉnh Thừa Thiên Huế năm sau luôn tăng so với trước. Năm 2014, chỉ số CCHC của Thừa Thiên Huế đạt 84,31 điểm, xếp vị thứ 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7,59 điểm và tăng 22 bậc so với năm 2013. Năm 2013 đạt 76,72 điểm. Năm 2012 đạt 74,85 điểm. Trung bình chỉ số CCHC của tỉnh Thừa Thiên Huế qua 4 năm đạt 81,76 điểm.
Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính giai đoạn I (2011-2015) của tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và quán triệt đến các ngành, địa phương quan điểm cải cách hành chính phải gắn với ứng dụng CNTT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện tại các địa phương để chỉ ra những mặt tồn tại trong công tác CCHC nhằm kịp thời khắc phục; hỗ trợ tạo điều kiện cơ sở vật chất cho công tác CCHC, nhất là ứng dụng CNTT; hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng có sự nỗ lực trên các lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Nhiệm vụ trong thời gian đến là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn II (2016 - 2020)./.