Phát triển cơ sở vật chất xứng tầm cho du lịch
Tuy đã tạo được sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh vẫn chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu. Vậy nên, một trong những định hướng về phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2018 chính là quan tâm đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở vật chất du lịch. Theo đó tỉnh sẽ tập trung phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch, quyết liệt đôn đốc triển khai để sớm đưa vào hoạt động một số dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá, tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như: triển khai giai đoạn 2 dự án Laguna, dự án khu thương mại, dịch vụ Vingroup, các dự án nghỉ dưỡng và sân golf của các tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup, My Way, PSH... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu khác nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên hình thành một trung tâm đa năng phục vụ hội nghị, các sự kiện triển lãm, biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn; tập trung đẩy mạnh phát triển khu du lịch Cảnh Dương – Lăng Cô. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch; Khởi công xây dựng dự án nâng cấp bến số 1 cảng Chân Mây phục vụ việc đón tàu du lịch cở lớn; Đầu tư một số hạng mục của sân bay quốc tế Phú Bài để từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng tăng của hành khách đến Huế trong giai đoạn 2018-2021.
Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng phát triển du lịch thì tỉnh cũng sẽ quan tâm trùng tu và nâng cấp các công trình di tích văn hóa, lịch sử như: Cầu Ngói Thanh Toàn, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, đình làng Dương Nổ và các thiết chế liên quan đến thời niên thiếu của Bác Hồ, địa đạo khu ủy Trị Thiên, chiến Khu Dương Hòa …
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch – dịch vụ
Để thu hút du khách và giữ chân du khách lưu trú với Huế lâu hơn thì sản phẩm du lịch – dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã và đang tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm thu hút khách du lịch về đêm, tăng sự chi tiêu của du khách và góp phần ổn định lượng khách đến Huế. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và chỉnh trang các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các khu phố đêm Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An. Nghiên cứu mở rộng một số khu vực trên cầu Trường Tiền (sau khi được tu sửa xong) để biến khu vực này trở thành một không gian lễ hội, ẩm thực về đêm; hình thành không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi để khai thác hiệu quả các thiết chế bảo tàng phục vụ khách du lịch và người dân; hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu phố đêm; xây dựng đường đi bộ dọc bờ sông nối Đập Đá với công viên 3/2 theo dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Hợp tác với các đối tác nghiên cứu xây dựng Kế hoạch tổ chức các sự kiện hàng tháng tại Huế để thử nghiệm bước đầu trong năm 2018 và rút kinh nghiệm tiếp tục tổ chức thực hiện trong các năm về sau nhằm thu hút khách du lịch đến Huế đều vào các thời điểm trong năm.
Phố đi bộ đang là một sản phẩm du lịch mới được đưa vào hoạt động hiêu quả trong năm 2017
Cùng với đó, tỉnh sẽ duy trì, nâng cao chất lượng, hoàn thiện dịch vụ và phát triển một số sản phẩm như: Nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa di sản kể cả những dịch vụ sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu xây dựng các dịch vụ có tính tương tác cao giữa khách du lịch và điểm đến, cụ thể là tại Đại Nội và hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn; Nghiên cứu xây dựng các dịch vụ du lịch dành cho thị trường khách Hàn Quốc (là thị trường khách du lịch đến Huế lớn nhất hiện nay), Nhật Bản, châu Âu và Mỹ; Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đẩy mạnh phát triển khu vực Lăng Cô, Cảnh Dương để thu hút nguồn khách đến Đà Nẵng qua đường hàng không. Đẩy mạnh việc hoàn thiện dịch vụ và mở rộng khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào suối thác, làng nghề, các làng văn hóa truyền thống, du lịch tâm linh,...
Phấn đấu có khoảng 4,2 triệu lượt khách đến tham quan trong năm 2018
Theo kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm phát triển du lịch – dịch vụ năm 2018 vừa đựa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành thì mục tiêu phấn đấu của tỉnh sẽ đón khoảng 4 – 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 -12% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt khoảng 2,1 - 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 17-19% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn về du lịch trong năm 2018 mà tỉnh đang tập trung chuẩn bị và triển khai là Festival Huế lần thứ X (được diễn ra từ ngày 27/4 – 2/5/2018). Ban tổ chức Festival Huế 2018 cho biết, Festival Huế năm nay với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản”, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế. Festival Huế 2018 sẽ có mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia. Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 5 Di sản Văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Ban Tổ chức thực hiện Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc”. Festival Huế năm 2018 sẽ hứa hẹn là một mùa lễ hội ở Cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Festival Huế năm 2018 hứa hẹn sẽ đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn
Với điểm nhấn là Festival Huế 2018 cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trọng điểm như: phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ... Tin tưởng rằng du lịch Huế trong năm 2018 sẽ tiếp tục tạo được nhiều ấn tượng và bứt phá để ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, để Huế xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.