Những năm qua, lượng hàng qua cảng trung bình hàng năm đạt khoảng 2,2 triệu tấn/năm; hàng hóa qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, than, clinker,… xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…; số lượt tàu du lịch qua cảng bình quân hàng năm khoảng 45-50 lượt với lượng khách và thủy thủ khoảng 130.000 lượt khách. Hiện tại, công suất hoạt động của Bến số 1 đã vượt 120% so với công suất thiết kế; đồng thời, cảng nước sâu Chân Mây tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 DWT và tàu du lịch biển quốc tế lớn nhất thế giới cập cảng.
Phối cảnh Chân Mây
Bên cạnh đó, Dự án Đê chắn sóng Chân Mây - giai đoạn 1 với chiều dài là 450m đến nay đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng. Theo thống kê sơ bộ từ công ty Cảng Chân Mây, trước khi xây dựng đê chắn sóng, tổng thời gian bến không khai thác được do điều kiện thời tiết khoảng 50 ÷ 60 ngày/năm, trong đó thời gian không làm hàng do tàu không vào cầu hoặc đang khai thác nhưng phải di chuyển khỏi cầu tàu do có sóng lớn là 20 đến 30 ngày.
Sau khi xây dựng đê chắn sóng, thống kê năm 2019 tổng thời gian cầu tàu dừng khai thác do yếu tố thời tiết là 9,34 ngày và không có ngày nào tàu đang bốc xếp tại bến mà phải dừng lại (nhưng không rời khỏi bến) do sóng. Trong đó, thời gian bến dừng khai thác do sóng khoảng 6 ngày và do mưa lớn và gió khoảng 3,34 ngày. Có thể thấy, sau khi xây dựng đê chắn sóng, thời gian bến có thể khai thác đạt trên 97,5% tổng thời gian khai thác trong năm.
Qua đi kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, Cảng Chân Mây có vị trí xây dựng chiến lược, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực, dễ dàng tiếp cận với tuyến Quốc lộ 1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Vì vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đề nghị tỉnh cần phải xây dựng một kế hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại; trong đó định hướng xây dựng cảng Công ten nơ là trọng tâm, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời yêu cầu Cục Hải Quan Thừa Thiên Huế tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển cảng nước sâu Chân Mây nhằm phát huy tiềm năng, vị trí chiến lược của cảng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chỉ đạo tại buổi làm việc