Theo đánh giá chung Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đối mặt với 2 làn sóng Covid 19, làn sóng thứ nhất ít chịu sự tác động, bước sang làn sóng thứ 2, khởi điểm vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn trên, lãnh đạo địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch Covid, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân là trên hết, cố gắng cao nhất để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ. Qua đó, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những thành quả nhất định, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức tăng 0,51% của 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức tăng khá cao trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Trong tăng trưởng chung thì khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,91%, cao hơn mức tăng 3,95% cùng kỳ, đóng góp 2,13 điểm phần trăm vào tốc độ tăng toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 4,86%, cao hơn mức giảm 2,14% cùng kỳ, đóng góp 2,34 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,66%, cao hơn mức tăng 0,63% cùng kỳ, đóng góp 0,59 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,94%, đóng góp 0,58 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm 2020, riêng nông nghiệp tăng 6,44%. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng 6,91%, riêng công nghiệp tăng 7,35% cao hơn mức tăng 3,88% cùng kỳ. Trong điểm sáng khu vực công nghiệp thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo, so với cùng kỳ ngành này tăng 6,92%. Các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng khá như: sản xuất bia, dệt may, sản xuất giấy, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Khu vực dịch vụ đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại so với cùng kỳ 2020. Các ngành dịch vụ dần hoạt động thích ứng trong tình hình mới, trong đó bán buôn bán lẻ tăng 5,60%, vận tải tăng 7,43%, hoạt động dịch vụ khác tăng 6,63%.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,30%; khu vực dịch vụ chiếm 48,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,30%. Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 12,54%; 30,56%; 48,75% và 8,15%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với dự toán và cùng kỳ, đạt kết quả này là nhờ thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn đạt cao. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, quản lý Nhà nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tính đến 30/6/2021 ước đạt 4.540 tỷ đồng, bằng 74,9% dự toán năm. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 4.239 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 210 tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương tính đến 30/6/2021 ước đạt 4.486,8 tỷ đồng, bằng 42,0% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển gần 1.262 tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán.
Tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% KH năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó vốn do Trung ương quản lý đạt 3.419 tỷ đồng, bằng 47,8% KH, tăng 17,2%, chiếm 29,0% tổng vốn; vốn do Địa phương quản lý 8.353 tỷ đồng, bằng 42,1% KH, tăng 5,0%, chiếm 71,0%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới của Hàn Quốc với số vốn đăng ký 151 triệu USD vào lĩnh vực hạ tầng CNTT và 1 dự án bổ sung vốn đầu tư của Hồng Kông với số vốn bổ sung 8,6 triệu USD vào lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt câu hỏi, trao đổi nhằm làm rõ thêm về các vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm. Làm rõ tại buổi họp báo, theo đại diện Cục Thống kê Thừa Thiên Huế cho biết, do tác động của dịch bệnh covid 19, nên tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị tác động không nhỏ, một số doanh nghiệp triển khai xây dựng bị chậm tiến độ do các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào địa phương gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cũng gặp một số khó khăn… Đại diện Sở KH và ĐT cho biết thêm, lũy kế đến nay trên toàn tỉnh đến nay có 112 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn gần 4 tỷ đôla Mỹ.