Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trọng việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngành, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào công tác quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quy hoạch trong giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch rất quan trọng. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang triển khai Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị, nên đặc biệt quan tâm đến không gian phát triển đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng. Hai đồ án quy hoạch này bổ trợ cho nhau, làm rõ không gian phát triển cho Tỉnh.
Đối với công tác quy hoạch hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, việc triển khai quy hoạch tỉnh ở các địa phương có nhiều thuận lợi bởi đã có thông tin, định hướng, phù hợp quy hoạch Quốc gia. Ngoài ra, các vùng đều có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội với tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng nêu quan điểm, trong các đồ án quy hoạch cần tính toán chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, có tính mở nhằm tránh tạo ra rào cản phát triển trong tương lai.
Với không gian phát triển, tiềm năng của các khu kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhận định, khu vực này sẽ tạo đột phá phát triển tại nhiều địa phương trong tương lai, do vậy, trong Luật Đất đai cần có “không gian” quy định cụ thể. Ngoài ra, các nghiên cứu quy hoạch cần tính toán đến vấn đề kết nối các tuyến giao thông nhằm liên kết các đô thị trong vùng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Thủ tướng cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo và các ý kiến rất tâm huyết, đầy trách nhiệm và thiết thực, sát thực tiễn của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Qua đó cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch đã có những tiến bộ nhất định.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác quy hoạch theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Nội dung nào thuộc thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện; thuộc thẩm quyền thuộc Quốc hội thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch phù hợp tình hình hiện nay theo trình tự rút gọn, nhanh nhất có thể.
Các Bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới công tác thẩm định bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; cả Trung ương và địa phương cần phải vào cuộc, đổi mới cách làm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thông quy hoạch quốc gia. Đồng thời, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng Bộ, ngành và địa phương.
Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch; các tỉnh, thành phố lập tổ công tác chuyên trách do Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo để làm nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới công tác thẩm định bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Các Bộ cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch, ý kiến rà soát quy hoạch đúng thời hạn tại văn bản xin ý kiến của Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cả Trung ương và địa phương cần phải vào cuộc, đổi mới cách làm. Đồng thời các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các vấn đề liên quan một cách quyết liệt, tích cực, chủ động, mạnh mẽ hơn.