Sáng ngày 9/12/2023 tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XIX.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan tình hình hoạt động của các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh phía Bắc; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT các tỉnh thành phố phía Bắc, cũng như những vấn đề liên quan đến việc triển khai xây dựng Luật KCN, KKT.
Tham dự Hội nghị có ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ; bà Đỗ Vũ Anh Thư, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Công Thương; đại diện Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc; các thành viên Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc (30 Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc); một số Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam và miền Trung; các nhà đầu tư hạ tầng trong các KCN, KKT tỉnh Bắc Giang; các đơn vị sự nghiệp của Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc; các sở, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang; các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Phấn đấu xây dựng Câu lạc bộ là “ngôi nhà chung” của các Ban Quản lý
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc vui mừng chia sẻ với Hội nghị một số kết quả nổi bật mà các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã đạt được trong năm 2023.
Trong năm 2023, trước tình hình biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới đã tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã hết sức cố gắng duy trì, tổ chức các hoạt động của Câu lạc bộ. Đồng thời, các thành viên trong Câu lạc bộ cũng luôn tích cực ủng hộ các hoạt động, thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước; đóng góp ý kiến vào các chương trình hoạt động, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT.
Phát huy cao vai trò được giao, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các Ban Quản lý thành viên, là đầu mối nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Ban Quản lý để phản ánh kịp thời đến Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương. Từ đó, có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, giúp các Ban Quản lý hoàn thành hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong năm 2023, lần đầu tiên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã kết nối với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh thành phố phía Nam để tổ chức thành công hội nghị gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước tại TP. Hà Nội.
Chủ nhiệm Lê Quang Long nhấn mạnh, tại Hội nghị lần này, các thành viên trong Câu lạc bộ cần tập trung trao đổi một số nội dung chính, đó là: Trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý lao động tại các KCN, KKT, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế; giới thiệu, đề xuất, bầu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2024-2025.
Ông Long bày tỏ mong muốn: “Ban Chủ nhiệm rất mong nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, các đại biểu, sự chung tay đóng góp xây dựng của các Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh thành phố phía Bắc và sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các thành viên Câu lạc bộ, các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh thành phố phía Nam, để Câu lạc bộ thực sự là ngôi nhà chung của các Ban Quản lý, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và địa phương giao cho”.
Các KCN, KKT xứng đáng là đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, ông Châu Thành Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc trình bày báo cáo đánh giá tổng quan tình hình phát triển các KCN, KKT trên cả nước; kết quả chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022,2023 của các Hội viên Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát triển các KCN
Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 413 KCN được thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 120 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha, chiếm khoảng 70% diện tích đất KCN thành lập.
Đối với 30 đơn vị trong câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc: số KCN trong quy hoạch là 343 KCN, với diện tích khoảng 100.402 ha, số KCN đã thành lập là 180 KCN với diện tích khoảng 51.802 ha, số KCN đang hoạt động là 116 KCN với diện tích khoảng 36.654 ha.
Trong 413 KCN được thành lập, có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 92 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha; khoảng 119 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.
Phát triển KKT
Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 583,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất quốc gia) và 288,4 nghìn ha diện tích mặt biển.
Đến nay, có khoảng 44 KCN nằm trong KKT với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 19,4 nghìn ha; trong đó 24 KCN đang hoạt động có tổng diện tích khoảng 13,8 nghìn ha đất tự nhiên và 12 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích khoảng 5,6 nghìn ha đất tự nhiên.
Thu hút đầu tư vào các KCN, KKT tăng cao cả chất và lượng
Tính đến cuối năm 2022, đầu 2023 Việt Nam đã thu hút được 27,72 tỷ USD vốn đầu tư; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Trong đó, các KCN, KKT vẫn là khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước.
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được trên 11,2 nghìn dự án FDI và 10,4 nghìn dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 238,6 tỷ USD và 2,54 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt khoảng 69% và 46,5%.
Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,11 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Các KCN, KKT thu hút được các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, số dự án đầu tư có vốn trên 100 triệu USD là khoảng hơn 500 dự án, trong đó có một số dự án có quy mô trên 1 tỷ USD như: Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD; Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô 10 tỷ USD… Đặc biệt, có 3 dự án sản xuất linh kiện điện tử của của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư vào KCN Tràng Duệ, Hải Phòng (nằm trong KKT Đình Vũ – Cát Hải), gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD.
Các KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Các Ban Quản lý KCN, KKT phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Châu Thành Hưng cho biết, trong năm 2023 Câu lạc bộ các ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tập trung vào công tác chuyên môn, giúp cho các hội viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển KKT, KCN. Các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương ủng hộ và đánh giá cao vai trò, mô hình hoạt động của Câu lạc bộ. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ luôn cố gắng chủ động xây dựng nhiệm vụ, chương trình công tác, tích cực chỉ đạo hội viên thực hiện. Tổ chức đầy đủ các cuộc họp định kỳ để đánh giá tình hình hoạt động của Câu lạc bộ, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chương trình phù hợp theo điều kiện thực tế.
Trong các năm 2022, 2023, các hội viên Câu lạc bộ đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác quản lý nhà nước về KCN trên các lĩnh vực được phân cấp: Cải cách hành chính, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động… Đặc biệt là tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cũng như công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN, KKT. Qua đó, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT tiếp tục trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư; đồng thời sản xuất kinh doanh duy trì tăng trưởng và phát triển. Nhìn chung, các dự án trong KCN, KKT duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Triển khai hiệu quả giải pháp quản lý các dự án đầu tư
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian tới, các thành viên trong câu lạc bộ các Ban Quản lý sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Hai là, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và huy động các nguồn vốn khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng KCN, KKT và đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tập trung triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt để tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Ba là, chủ động đề xuất với UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hoặc xử lý các dự án vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động. Tăng cường các biện pháp trợ giúp pháp lý và đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bốn là, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là quy định cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ từ doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tác phong đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT giải quyết các thủ tục hành chính về các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động.
Sáu là, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn KCN, KKT, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm khi triển khai dự án, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những rào cản pháp lý về KCN, KKT
Tại Hội nghị, bên cạnh báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc mà các Ban Quản lý đang phải giải quyết, các thành viên Câu lạc bộ đến từ các Ban Quản lý KCN, KKT phía Bắc cũng đã tích cực phát biểu thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đặc biệt, Hội nghị ghi nhận những ý kiến tham gia đóng góp hiệu quả của các thành viên Câu lạc bộ đến từ các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC phía Nam đã chia sẻ bức tranh tổng quan về tình hình xây dựng và phát triển các KCN, KKT tại địa phương, cũng như những kinh nghiệm trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn.
Các Ban Quản lý cho rằng, bên cạnh một số những thuận lợi cơ bản, hiện nay các Ban Quản lý đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT cũng như do các nguyên nhân khách quan tác động, cụ thể:
Các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay mới dừng lại ở các Nghị định, chưa phải là khung pháp lý cao nhất, nên một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý bị một số Luật chuyên ngành chi phối, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ (trong lĩnh vực về môi trường, xây dựng, đất đai…).
Chưa có hướng dẫn cụ thể Nghị định số 35/NĐ-CP quy định về quản lý các KCN, KCX, KKT, nên việc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023, nhiều đơn vị đã không được thực hiện giải quyết một số nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý lao động theo phân cấp ủy quyền như trước đây.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách dành cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, tại một số địa phương còn hạn chế.
Một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nguyên nhân chính là do vị trí địa kinh tế không thuận lợi, thiếu quỹ đất sạch...
Các chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan liên tục thay đổi, tính ổn định không cao, còn tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, cơ hội và hiệu quả của các dự án đầu tư.
Một số Ban Quản lý chưa được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, lao động.
Nhiều doanh nghiệp FDI là đối tác hoặc là một công ty trong tập đoàn lớn, đa quốc gia, nên công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn.
Nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp KCN, KKT. Tình trạng khan hiếm lao động phổ thông khi các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động đi vào hoạt động thường xuyên xảy ra.
Việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN và các dịch vụ hỗ trợ cơ bản (như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí...) còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân, chưa có cơ chế rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tế...
Cần thiết xây dựng Luật KCN, KKT
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã khẳng định vai trò then chốt của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do những rào cản về địa vị pháp lý nêu trên nên gây khó khăn, thách thức cho các Ban Quản lý trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT.
Để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các thành viên Câu lạc bộ thống nhất cho rằng: Việc ban hành Luật KCN, KKT là rất cần thiết để đảm bảo sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý KKT, KCN; khắc phục những khó khăn trong công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các Ban Quản lý với các sở, ngành, địa phương; đồng thời thống nhất quy định về công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN trong một văn bản luật, để tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT tại địa phương.
Các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số nội dung sau:
Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương
Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng Luật KCN, KKT để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN.
Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có hướng dẫn về thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng dữ liệu chéo, dữ liệu liên thông về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh, thành phố khi triển khai lập quy hoạch các KCN, KKT và thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, khu chức năng trong KKT.
Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định, hướng dẫn áp dụng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động KCN, KKT.
Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các chế tài đủ mạnh xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý sau đầu tư tại các KCN, KKT; các bộ, ngành, hướng dẫn việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
UBND các tỉnh, thành phố
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch về triển khai thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phát triển nhà ở công nhân; kế hoạch phát triển các dịch vụ hỗ trợ cơ bản cho người lao động tại các KCN, KKT gắn với quy hoạch của từng KCN, KKT.
UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các Ban Quản lý KCN, KKT
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Vũ Anh Thư, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, thông qua lần đầu tiên được tham dự cuộc họp Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT, đã nắm bắt được toàn diện những khó khăn, vướng mắc mà các Ban Quản lý KCN, KKT đang gặp phải. Việc tham dự các cuộc họp như ngày hôm nay đối với các bộ, ngành chức năng nói riêng, các thành viên trong các Ban Quản lý nói chung là rất quan trọng. Việc hiểu và nắm rõ các nội dung khó khăn, vướng mắc để cùng phối hợp giải quyết giữa các bên sẽ giúp cho các Ban Quản lý triển khai các đề xuất, kiến nghị đến các bộ, ngành chức năng một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất và hiệu quả nhất; đồng thời có các giải pháp mang tính tổng thể, thống nhất và toàn diện nhất. Đề nghị Câu lạc bộ cần tăng cường việc kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý KCN, KKT để có thể hỗ trợ hiệu quả cho các Ban Quản lý; đồng thời bà cho rằng, các đề xuất, kiến nghị của Câu lạc bộ nên có kế hoạch chuẩn bị sớm, để tổng hợp gửi đến các bộ, ngành có thời gian rà soát, kịp thời báo cáo Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, nghị định chuyên ngành.
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ đánh giá cao tỷ trọng phát triển công nghiệp của các KCN, KKT đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đánh giá về báo cáo hoạt động của Câu lạc bộ, ông Nam góp ý cho các Ban Quản lý cần cung cấp thông tin cụ thể về tình hình phát triển KCN, KKT tại địa phương để nêu bật được vai trò, vị thế và những đóng góp thiết thực, hiệu quả của các KCN, KKT; các Ban Quản lý cần có “tiếng nói” tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KCN, KKT. Về sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Quản lý, ông Nam nhấn mạnh, biên chế theo cơ cấu vị trí việc làm phải đảm bảo nâng cao chất lượng gắn với tinh giản biên chế, do vậy địa phương sẽ quyết định biên chế công chức, các Ban Quản lý cũng sẽ phải xây dựng cơ cấu nhân lực hợp lý. Các Ban Quản lý cần hiểu rõ và hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Ban Quản lý để có giải pháp triển khai và thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các thành viên trong Câu lạc bộ đã đạt được trong năm 2023, một năm đầy khó khăn và thách thức của đất nước.
Ông Quân cho rằng, những cuộc hội nghị như hôm nay chính là diễn đàn quan trọng để các Ban Quản lý cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, các giải pháp đã và đang triển khai thành công trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT tại địa phương. Thông qua đó, các bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt thực tế những khó khăn, vướng mắc của các Ban Quản lý để tổng hợp, đề xuất đến Chính phủ và Quốc hội. Vì vậy, các Ban Quản lý cần quan tâm và nhiệt huyết hơn nữa (thôi thúc) trong việc tích cực tham gia vào các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, sở, ngành, địa phương tổ chức, để nắm bắt kịp thời các thông tin thời sự, cập nhật các chủ trương, chính sách mới liên quan đến ngành KCN, KKT; đồng thời cần tổng hợp các nội dung kiến nghị (từ các phòng chức năng) để chủ động báo cáo thực tế khách quan tại các cuộc họp, tham mưu chính xác, hiệu quả để lãnh đạo tỉnh/thành phố và các ban, ngành chức năng trong tỉnh/thành phố tại địa phương ghi nhận sự cần thiết và đánh giá cao năng lực chuyên môn, khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của Ban Quản lý trong hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT.
Ông Quân nhấn mạnh, các Ban Quản lý cần tổng hợp các báo cáo về thực trạng hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT (quy hoạch, đất đai, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm…; định hướng phát triển các mô hình KCN mới để tạo nên một hệ sinh thái, cộng sinh tuần hoàn, đảm bảo môi trường, kinh tế, văn hoá, giáo dục (mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ và KCN hỗ trợ…) để cung cấp cho Vụ Quản lý các Khu kinh tế làm cơ sở báo cáo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (các minh chứng cụ thể về những đóng góp của các KCN, KKT, qua đó nêu bật được vai trò của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế, xã hội).
Tổng kết và bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Quang Long đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các thành viên Câu lạc bộ hai miền Bắc, Nam đã nêu ra được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao và cùng đồng thuận, thống nhất cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật KCN, KKT, để tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong việc quản lý và phát triển các KCN, KKT được thuận lợi.
Thay mặt Câu lạc bộ, ông Long bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các đại biểu đến từ các bộ, ngành chức năng và các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh phía Bắc và phía Nam đã tham dự và đóng góp các ý kiến hết sức quý báu cho Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh/thành phía Bắc. Đồng thời bày tỏ mong muốn: “Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh/thành phía Bắc xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành chức năng và các Ban Quản lý hai miền Nam, Bắc để có giải pháp hiệu quả giúp cho hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT của các tỉnh, thành phố phía Bắc ngày một phát triển mạnh mẽ”.
Với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của Vụ Quản lý các Khu kinh tế trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT; sự phối hợp chặt chẽ của Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT hai miền Bắc- Nam; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu không mệt mỏi của 30 thành viên Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc; chắc chắn các khó khăn, vướng mắc trong các KCN, KKT sẽ dần được tháo gỡ, đồng thời dự thảo Luật KCN, KKT sẽ sớm được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, để tạo khung pháp lý cao nhất giúp cho công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT tại Việt Nam phát huy được hiệu quả, đưa các KCN, KKT phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước lên trên tầm cao mới./.
Theo: https://kinhtevadubao.vn/