Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thừa Thiên Huế: Đến năm 2020, du lịch - dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh
Ngày cập nhật 06/06/2017

Tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, đặc biệt chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa – di sản; xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng và có sức cạnh tranh cao. Tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượt khách, tăng mạnh chỉ tiêu về doanh thu du lịch thông qua các thị trường khách có đẳng cấp, chỉ tiêu cao bằng cách tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cao cấp.

Đó là mục tiêu của Kế hoạch số 127/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 29 tháng 5 năm 2017.

Kế hoạch trên cũng xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu đó là, đến năm 2020, Du lịch - dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh. Thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 - 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm. Doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,1 ngày. Suất chi tiêu bình quân trên 1,5 triệu đồng/khách. Đến năm 2030, Du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh. Thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày.

Nhằm thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tập trung nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, du lịch và nâng cao cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tập trung kêu gọi các Nhà đầu tư lớn, có thương hiệu tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch toàn tỉnh và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư; đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; tập trung xây dựng các chính sách đột phát trong phát triển du lịch, trong đó ưu tiên các chính sách kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội về phát triển du lịch gồm cả lãnh đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng bằng các việc làm, hành động cụ thể về vấn đề môi trường du lịch (thân thiện khách du lịch), quảng bá du lịch (mỗi người dân là sứ giả trong quảng bá du lịch)..., trước mắt là triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng cũng là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Thừa Thiên Huế coi trọng, theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận; tăng cường các loại hình dịch vụ trong khu vực Đại nội; triển khai dự án khai thác các giá trị Cung An Định phục vụ phát triển du lịch gắn bảo tồn; phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương; xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà và Hộ thành hào, sông An Cựu; xây dựng tổ hợp trung tâm mua sắm giải trí và các khu phố đêm gắn với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực tại các đường Phạm Ngũ Lão -Võ Thị Sáu - Chu Văn An để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm; hoàn thiện và nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống ở Huế như Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca Huế, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, áo dài, xích lô và các trò chơi dân gian, nhất là các đặc trưng văn hóa dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng để phục vụ phát triển du lịch; xúc tiến đầu tư và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh tại các khu nước khoáng nóng Mỹ An và Thanh Tân, Thanh Phước (xã Hương Phong, Hương Trà); nghiên cứu xây dựng trung tâm hội nghị triển lãm lớn đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện, hội họp, hội nghị quốc tế cho đối tượng khách du lịch MICE; tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá và đô thị đẳng cấp cao ở Bạch Mã, Chân Mây - Lăng Cô, với trọng tâm là Cảng du lịch quốc tế Chân Mây, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp, những khu phố đêm sôi động, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng để thúc đẩy các điểm có điều kiện phát triển tốt du lịch cộng đồng; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống đặc trưng nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu phát triển du lịch. Theo đó, sẽ huy động các nguồn lực và tập trung kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các Dự án: Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay Huế - Cần Thơ - Phú Quốc và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng: Huế - Luangprabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar), Singapore, Nhật Bản... Xây dựng Cảng Chân Mây là cảng biển du lịch quốc tế. Đẩy nhanh hoàn thiện tuyến đường Tự Đức – Thuận An (đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến Thuận An) để kết nối giao thông thành phố Huế và biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển khác lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển. Tập trung đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm dừng, nghỉ cho các tuyến du lịch phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối đồng bộ thành phố Huế đến các vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã), các di tích, đến vùng biển, đầm phá và vùng phía Tây Thừa Thiên Huế, bảo đảm giao thông thuận lợi, gắn với phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng du lịch bền vững. Nâng cấp và xây dựng mới các bến thuyền trên sông Hương; đầu tư các bến thuyền du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để khai thác phát triển du lịch. Chỉnh trang không gian du lịch tại thành phố Huế. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí, đặc biệt đầu tư xây dựng một trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế có quy mô lớn và có khả năng phục vụ các hội nghị tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Xây dựng cơ chế, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dịch vụ vận tải; lĩnh vực giải trí mới, cao cấp như casino, du thuyền, thể thao dù lượn, kinh khí cầu, thủy phi cơ, tàu cánh ngầm; các khu mua sắm cao cấp; sân golf…

Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác cũng được chú trọng thực hiện đó là nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường chương trình kích cầu du lịch trong năm để thu hút khách du lịch và giới thiệu quảng bá điểm đến cho du lịch Thừa Thiên Huế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ...

Tập tin đính kèm:
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 49