Tìm kiếm tin tức
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Ngày cập nhật 22/06/2021

Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra khảo sát một dự án trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Thái Hùng) 
 
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính
 
Với quan điểm quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc rút ngắn thời gian cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
 
Theo đó, tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính “Thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật”  từ 20 ngày làm việc xuống 14 ngày làm việc (tỷ lệ 30%).
 
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính “Thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng/thiết kế, dự toán xây dựng điều chỉnh” từ 20 ngày làm việc xuống 15 ngày làm việc (tỷ lệ 25%). Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính “Thẩm định dự án/dự án điều chỉnh hoặc thẩm định thiết kế cơ sở/thiết kế cơ sở điều chỉnh đối với thẩm định dự án/dự án điều chỉnh” nhóm B từ không quá 30 ngày làm việc xuống 25 ngày làm việc (tỷ lệ 16,67%), nhóm C từ không quá 20 ngày làm việc xuống 15 ngày làm việc (tỷ lệ 25%).
 
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính “Cấp phép xây dựng, bao gồm cấp phép xây dựng mới, cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời công trình” từ không quá 20 ngày  xuống còn không quá 7 ngày làm việc (tỷ lệ 65%), riêng đối với trường hợp cần xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì thời gian giải quyết được rút ngắn còn 12 ngày làm việc (tỷ lệ 40%)...
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, nhờ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nên tính đến cuối tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh có 479 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.021,6 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 212 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
 
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2021, Thừa Thiên Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký khoảng 1.879,4 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ thực hiện cho 6 dự án và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 6 dự án với số vốn điều chỉnh là 462 tỷ đồng. Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
 
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Cùng với việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra chuyên ngành”.
 
Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi tích cực nhờ thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong ảnh: Một góc TP. Huế. (Ảnh: Thái Hùng)
 
Đồng hành cùng doanh nghiệp
 
Thừa Thiên Huế luôn xác định quan điểm chính quyền là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ.
 
Theo ông Phan Ngọc Thọ, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ quyết liệt chỉ đạo, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh... Tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 
 
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện, mô hình một cửa hiện đại cấp xã. Duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử và về Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh. Thực hiện các giải pháp cải thiện vị trí thứ hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), triển khai hiệu quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
 
Hoàn thiện quy chế hỗ trợ cấp thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cấp hệ thống thông tin doanh nghiệp, hướng đến hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công (cắt giảm những thành phần hồ sơ đã có trong dữ liệu thẻ). Tập trung hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng, hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử.
 
Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Với sự tích cực và quyết liệt trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng tìm đến địa phương, góp phần đưa Thừa Thiên Huế phát triển”.
 
Theo: baodautu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 294