Tìm kiếm tin tức
Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
Ngày cập nhật 21/06/2023

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Tuy nhiên, trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn... tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông có mặt còn hạn chế; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. 

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các nội dung sau: 

I- MỤC TIÊU, YÊU CẦU 

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. 

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

3. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

4. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông. 

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 

Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt, cụ thể hoá chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân trong lĩnh vực giao thông. 

Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. 

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông

Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hoá một bước định hướng trên. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông. 

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 

Đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể giáo dục cho thanh, thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hoá trong tham gia giao thông. 

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. 

4. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông 

Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống đường cao tốc, tàu cao tốc. Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhất là mạng lưới quốc lộ tại khu vực miền núi Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Hiện đại hoá trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới mạnh mẽ phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông. 

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển, những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển, quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

5. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 

Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông. 

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và "điểm đen" trên các tuyến giao thông. 

Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 

6. Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh 

Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch. Tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của người dân. Tăng cường quản lý trật tự đô thị; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông. Có giải pháp sắp xếp giờ làm việc, học tập, kinh doanh phù hợp góp phần giảm ùn tắc giao thông. 

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

1. Các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Hằng năm, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện; 5 năm tổ chức sơ kết; 10 năm tổng kết, đánh giá toàn diện việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị. 

2. Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật về giao thông; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện. 

3. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao. 

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức phát động; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị. 

5. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

6. Đảng uỷ Công an Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. 

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ. 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 659