Phân bổ 105 tấn hạt giống lúa, ngô cho các địa phương để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai
Ngày 13 tháng 01 năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phân bổ giống cây trồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2017.
Theo đó, phân bổ 95 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô cho các huyện, thị xã và thành phố để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai vụ Đông Xuân 2016 – 2017.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiếp nhận và giao hạt giống được hỗ trợ đến các huyện, thị xã và thành phố; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả tổ chức thực hiện. UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp nhận và phân phối đến người dân bị thiệt hại vụ Đông Xuân 2016 - 2017 do thiên tai gây ra đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
Ngày 12 tháng 1 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37/CT-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn trong năm 2017. Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học; đảng viên, đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể, các hộ dân ký cam kết tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các ngành, cơ quan chức năng trên địa bàn, tổ chức ký cam kết, giao trách nhiệm cụ thể gắn với kiểm điểm trách nhiệm nếu để xảy ra tình hình phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là đốt các loại pháo trong đêm giao thừa.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và phối hợp Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Đài phát thanh địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 và Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ, các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại pháo sâu rộng trong nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Nhân rộng gương “người tốt, việc tốt”, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm về pháo gắn với đẩy mạnh hoạt động tố giác những hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tập trung kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, tuyến biển (chú ý các cảng, đường tiểu ngạch), tuyến đường bộ, đường sắt, các khu vực nhà ga, bến xe, các trung tâm thương mại, chợ, khu vực kinh doanh mua bán tập trung đông người để phát hiện, xử lý, ngăn chặn hoạt động nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Tổ chức vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại pháo, thuốc pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Quản lý chặt chẽ các đối tượng là thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm về pháo, các hộ kinh doanh, hộ có xe ô tô chạy tuyến biên giới Việt - Lào, các tỉnh phía Bắc, các trường hợp đi làm ăn xa về địa phương ăn Tết và tổ chức ký cam kết không tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép pháo, đồ chơi nguy hiểm trong danh mục cấm. Phát động phong trào toàn dân tố giác các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo với cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Viện kiểm sát, Toà án nhân dân cùng cấp tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động các vụ án về vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác tuyên truyền, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Công Thương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra và chấn chỉnh đảm bảo an toàn về cháy nổ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của các đơn vị được trang bị; hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để thất thoát, cháy, nổ kho vật liệu nổ công nghiệp.
Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, phối hợp với Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Công an tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu, cảng biển, các tuyến vận chuyển hàng hoá, các cơ sở kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp kiểm tra hành chính các trung tâm thương mại, chợ, đại lý bán sỉ, bán lẻ tạp hóa, các điểm tập kết hàng hóa tại bến xe, nhà ga, cảng biển, cửa lạch... nhằm phát hiện, thu giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm về pháo.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp
Ngày 09 tháng 01 năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Kế hoạch sẽ tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp về pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xác minh, điều tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với mọi loại hình như dịch vụ và các hình thức kinh doanh đa cấp trái pháp luật khác trên địa bàn, trong đó chú trọng vào các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để người dân, người tham gia bán hàng đa cấp chủ động phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp trái phép; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức các cấp trực tiếp thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp để nâng cao năng lực, nghiệp vụ trong giám sát, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Chỉ thị của UBND tỉnh về triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017
Ngày 10 tháng 01 năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Theo đó, để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện thành công Tổng điều tra, UBND tỉnh yêu cầu Cục trưởng Cục Thống kê, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của Phương án và các quy trình áp dụng trong Tổng điều tra như sau:
Tăng cường chỉ đạo công tác Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đúng các quy trình hướng dẫn thực hiện, nội dung Phương án của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và kế hoạch triển khai thực hiện của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Trường hợp có sự thay đổi nhân sự trong Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp xã; yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực địa phương mình theo đúng nội dung Công văn số 7509/BKHĐT-TCTK ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn công tác thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm hướng dẫn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã, phường, thị trấn hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (không thành lập Ban Chỉ đạo TĐT) tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng cho các địa bàn điều tra thuộc địa phương mình quản lý. Đối tượng tuyển dụng làm điều tra viên và tổ trưởng cần được chọn theo địa bàn điều tra; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo đúng hướng dẫn của Phương án Tổng điều tra.
Cục Thống kê phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), các cơ quan thông tin đại chúng: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế (VTV8), Báo Thừa Thiên Huế, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh,... mở đợt tuyên truyền sâu rộng phục vụ cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Cục Thống kê là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phương án Tổng điều tra theo đúng nội dung, yêu cầu. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ Tổng điều tra cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp xã và đội ngũ điều tra viên, tổ trưởng trực tiếp tham gia công tác Tổng điều tra tại địa bàn. Đảm bảo thống nhất việc tổ chức thực hiện đồng bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát các nội dung công việc, đảm bảo thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra.
Chỉ thị của UBND tỉnh cũng nêu rõ, Cục trưởng Cục Thống kê; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo các cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2017 ban hành kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chỉ thị này.
Ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2017.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan quản lý của tỉnh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy định pháp luật. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, quan liêu, vô trách nhiệm, gây phiền hà cho các doanh nghiệp; việc tổ chức phối hợp lực lượng kiểm tra, xử lý theo từng vụ việc căn cứ vào nguồn thông tin, công tác kiểm tra của từng cơ quan, đơn vị và phải do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó có yêu cầu bằng văn bản. Nghiêm cấm các cán bộ dưới quyền tự ý tổ chức sự phối hợp các cơ quan để tiến hành kiểm tra trái quy chế này.
Quy chế nêu rõ, các doanh nghiệp chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có văn bản thông báo xác nhận của Sở Công Thương. Thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết theo Quyết định của UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế.
Liên quan đến việc chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương thông báo trên trang thông tin điện tử của sở, các cơ quan liên quan; UBND cấp huyện về việc chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp có thông báo hoạt động trên địa bàn tỉnh để cùng phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, phổ biến, tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến việc chấm dứt, tạm ngưng hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp cho người tham gia bán hàng đa cấp biết và đòi hỏi các quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng trong thời gian tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.
Khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có tính chất nghiêm trọng, cấp bách, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh cho thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, với sự tham gia của các cơ quan chức năng liên quan để xác minh, kiểm tra, điều tra và xử lý theo quy định.
Công nhận 8 trường học đạt chuẩn quốc gia
Ngày 13 tháng 01 năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành các Quyết định số: 67/QĐ-UBND; 68/QĐ-UBND; 69/QĐ-UBND; 70/QĐ-UBND về việc công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, công nhận Trường Tiểu học Phú Lương 1, xã Phú Lương, huyện Phú Vang; Trường Tiểu học Phú Mỹ 1, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang; Trường Tiểu học Phú Mậu, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; Trường Tiểu học Phú Đa 2, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND công nhận các trường trung học đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường THCS Phú Mậu, huyện Phú Vang; Trường THPT Hương Trà, thị xã Hương Trà; Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Huế; Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy.
Các Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày ký.