Tìm kiếm tin tức
Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế - Kết quả thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm 2017
Ngày cập nhật 06/09/2017

 

Triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh về hoạt động “Năm doanh nghiệp Thừa Thiên Huế năm 2017”, với chỉ tiêu phấn đấu thu hút 20 dự án đầu tư vào các KKT, KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư các doanh nghiệp thực hiện đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2016. Nâng tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp đã được thành lập (KCN Phú Bài, KCN Phong Điền) bình quân đạt trên 45%, các KCN còn lại trên 25%.

 

Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Xây dựng và ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư và tham gia các Hội nghị, Hội thảo xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Kết quả từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 08 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.061,5 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã được cấp phép: Dự án bến số 2 Cảng Chân Mây của Công ty Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 849 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 14 ha; Dự án khu du lịch Suối Voi của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư – Huế với vốn đăng ký 218,2 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 51,1 ha; Dự án sản xuất Lò bể Frit công suất 65.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Frit Huế với vốn đăng ký 175.5 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát Granite công suất 7,2 triệu m2/năm của Công ty Vitto Phú Lộc, vốn đăng ký 610,9 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 10 ha; Dự án Nhà máy kéo sợi OE 2.688 Rotor của Công ty CP Sợi Phú Quang, vốn đầu tư 160 tỷ đồng.

Tính đến nay, các Khu kinh tế, công nghiệp đã thu hút được 150 dự án, tổng số vốn đăng ký là 65.680 tỷ đồng; trong đó có 34 dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 1.741 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt 20.470 tỷ đồng, đạt 31,24% vốn đăng ký.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp: Bình quân đạt 39,6%; trong đó:

+ Khu công nghiệp Phú Bài, trong đó có những khu có tỷ lệ lấp đầy tốt như: KCN Phú Bài giai đoạn I&II đạt 98%; Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV đạt 8,9%.

+ Khu công nghiệp Phong Điền: khu A đạt 33%, khu B và khu B mở rộng đạt 74%.

+ Khu công nghiệp Phú Đa đạt 41,1%.

+ Khu công nghiệp La Sơn đạt 20,9%.

+ Khu công nghiệp Tứ Hạ đạt 1,2%;

Để thực hiện mục tiêu thu hút được 20 dự án trong năm 2017, Ban Quản lý đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

- Hoàn thành rà soát Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; hoàn thành đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quốc tế kết hợp nhà ở đô thị Lăng Cô - Cảnh Dương; Quy hoạch chi tiết KCN Tứ Hạ.

- Hoàn thiện các điều kiện hình thành KCN hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may tại KCN Phong Điền.

- Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng xúc tiến với các Tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực, có tiềm lực về tài chính, tạo động lực cho sự phát triển tại các KCN, KKT, như: Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera, Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, Tập đoàn Kaiokai (Nhật Bản)... hợp tác với các tổ chức nước ngoài: Jica, Koica, Jetro, ... để tiến hành công tác quảng bá; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ.

- Tập trung xúc tiến đầu tư Dự án bến số 4, 5, 6 Cảng Chân Mây và bến du lịch; Đẩy mạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng KCN như: KCN Phong Điền, KCN La Sơn, KCN Phú Bài giai đoạn IV, KCN Tứ Hạ, KCN thuộc KKT Chân Mây – Lăng Cô. Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh hoặc từ doanh nghiệp để đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các KCN; kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư hạ tầng KCN Phú Đa, Quảng Vinh.

- Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ ở khu vực Thị trấn Lăng Cô, tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại và kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không có khả năng triển khai, chậm triển khai để tránh lãng phí về nguồn lực đất đai, làm lành mạnh môi trường đầu tư và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư.

- Giải quyết nhanh các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng để khởi công xây dựng và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại các KKT, KCN.

Ngoài ra, để tạo điều kiện tối đa trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tiếp xúc, đối thoại định kỳ hàng tháng với các doanh nghiệp trên địa bàn KKT, KCN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn triển khai các quy định mới, các chuyên đề pháp luật cho các doanh nghiệp KKT, KCN. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm, công đoàn,…

Trong quá trình triển khai dự án, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ban Quản lý đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với những dự án lớn, Ban đã thành lập các tổ công tác, phối hợp với chủ đầu tư, UBND các huyện và các sở, ban ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vấn đề phát sinh. 

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 67