Tìm kiếm tin tức
Thừa Thiên Huế tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Ngày cập nhật 21/11/2017

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là thước đo của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương về mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì lẽ đó, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số xếp hạng PCI trong cả nước cũng như trong khu vực, tạo niềm tin và động lực để doanh nghiệp đến đầu tư tại Huế nhiều hơn.

Nâng cao vị trí xếp hạng
Năm 2016, xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ 23/63 tỉnh, thành; tăng 06 bậc và tăng 1,16 tổng điểm PCI so với năm 2015. Đối với các tỉnh Vùng duyên hải miền Trung thì năm 2016, xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng thứ 04/12 tỉnh (tăng 03 bậc) và đứng thứ 04/05 trong các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (tăng 01 bậc). Trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế Có 05 chỉ số thành phần tăng hạng đó là: Chỉ số Tiếp cận đất đai xếp thứ 17/63, tăng 31 bậc; Chỉ số Chi phí thời gian xếp thứ 40/63, tăng 16 bậc; Chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 25/63, tăng 3 bậc; Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 8/63, tăng 21 bậc; Chỉ số Thiết chế pháp lý xếp thứ 38/63, tăng 13 bậc. Đây là những kết quả cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện vị trí xếp hạng và đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Trong đó đáng chú ý là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh 21 bậc, từ vị thứ 29/63 lên vị thứ 8/63, đứng đầu trong các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực chỉ đạo thực hiện. Với chủ đề của năm 2017là “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”, Tỉnh đã tập trung, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chất lượng công tác, thay đổi một cách cơ bản tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với mục tiêu lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp”.


Xây dựng Bộ tiêu chí về chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh  đối với cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ, có chất lượng và hiệu quả đối với việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT INDEX) tại các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh thông qua việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, với quy trình thực hiện khách quan, rộng rãi, công khai qua môi trường mạng. Riêng đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn chưa xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể đối với cấp huyện và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, dẫn đến việc thực hiện các giải pháp, kế hoạch để cải thiện các chỉ số này ở các đơn vị chưa có cơ sở để triển khai, thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện tỉnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Bộ tiêu chí về chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh đối với cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Bộ tiêu chí đánh giá phải đảm bảo 04 nguyên tắc cơ bản gồm: điểm số hóa, khách quan, độc lập; tương đồng với các tiêu chí đánh giá của trung ương; đánh giá theo bốn cấp và đánh giá thường xuyên, liên tục. Trước mắt, năm 2017 khi chưa có Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) thì tỉnh sẽ tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu cụ thể là nâng cao và duy trì chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh vào nhóm tốt; Cải thiện các chỉ số đang ở vị thứ khá lên thứ hạng tốt (Chỉ số Tính minh bạch, Đào tạo lao động, Hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí thời gian, Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất); tập trung quyết liệt cải thiện các Chỉ số xếp hạng ở vị thứ thấp và trung bình lên thứ hạng khá (Chỉ số Thiết chế pháp lý, Chi phí không chính thức, Tính năng động và tiên phong của Lãnh đạo tỉnh, Cạnh tranh bình đẳng). 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết thêm: “Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tập trung cải cách hành chính lĩnh vực quản lý đất đai; Hoàn thiện vận hành Hệ thống xác thực tập trung (SSO), tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống văn bản pháp quy, số liệu... của tỉnh. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện các quy định Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của chính quyền cũng như định hướng phát triển của tỉnh”.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 26