Tìm kiếm tin tức
Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/12/2017
Ngày cập nhật 26/12/2017

Sáng ngày 23/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp báo công bố hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đồng chí Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, Bà Trần Thị Hoài Trâm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh (Trung tâm) cho biết, Trung tâm là tổ chức hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh chịu sự quản lý nhà nước của Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Trung tâm theo quy định của pháp luật. Về cơ cấu tổ chức, Trung tâm có Giám đốc là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm, 01 Phó Giám đốc chuyên trách và 03 Bộ phận gồm: Hỗ trợ - Giám sát, Hành chính - Tổng hợp, Tiếp nhận, trả kết quả. Biên chế chính thức của Trung tâm là 06 biên chế, 03 kiêm nhiệm; Bộ phận Tiếp nhận, trả kết quả có 34 công chức được các cơ quan, đơn vị cử đến làm việc.

Bà Trần Thị Hoài Trâm, giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh phát biểu tại buổi họp báo

Trung tâm được xây dựng với diện tích 630 m2 tại địa chỉ 01 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, với 34 quầy tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức (bao gồm các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và 06 cơ quan TW trên địa bàn), bộ phận bưu chính công ích (VNPT) và thu phí tập trung (Viettinbank). Số lượng TTHC được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công là 1.401 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan theo ngành dọc được các bộ, ngành đặt tại địa phương, dự kiến Trung tâm sẽ tiếp nhận 180 - 200 phiên giao dịch/1 ngày.

Bà Trần Thị Hoài Trâm, giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết thêm, khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau: Đảm bảo người dân chỉ nộp hồ sơ và nhận hoàn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một địa điểm duy nhất nhằm quản lý thống nhất, đồng bộ việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn, thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương; Đảm bảo số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận tại Trung tâm, hướng tới những thành phần hồ sơ này không cần phải nộp lại khi công dân, tổ chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm Hành chính công ở lần tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh; Công tác số hóa hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức góp phần cải cách thủ tục hành chính (giảm giấy tờ hành chính và thời gian đi lại của công dân); đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3; Việc số hóa hồ sơ khi công dân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính thực chất là cơ quan nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ công dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Đảm bảo việc giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả thủ tục hành chính nhanh, gọn, công khai minh bạch, giảm chi phí thực hiện TTHC, tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC cũng như đánh giá mức độ hài lòng, các chỉ số, năng lực cạnh tranh của địa phương... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho chính quyền địa phương giám sát, đôn đốc, theo dõi một cách khách quan, độc lập.
Làm rõ các ý kiến, câu hỏi của các phóng viên về phương thức, môi trường làm việc, tính công khai minh bạch, tính hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với Trung tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, để góp phần đổi mới về phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại, công khai minh bạch, góp phần cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân; UBND tỉnh đã ban hành các quy định và đề ra các giải pháp cụ thể để áp dụng tại Trung tâm hành chính công các cấp, đó là: Quy định bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định về khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Đề án triển khai thẻ điện tử công chức và thí điểm thẻ điện tử cá nhân, doanh nghiệp trong giao dịch dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi của công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...

Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động theo phương châm “Thân thiện – Đơn giản - Đúng hẹn”

Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/12/2017, tại địa chỉ 01 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế (dự kiến khai trương Trung tâm vào ngày 05/01/2018), với phương châm hoạt động: “Thân thiện – Đơn giản - Đúng hẹn”. Sự ra đời của Trung tâm hành chính công tỉnh cùng với hệ thống Trung tâm hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các TTHC của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 25