Tìm kiếm tin tức
Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế các tỉnh thành phố phía Bắc lần thứ XVI
Ngày cập nhật 01/10/2018

Ngày 31/8/2018 tại thành phố Thái Nguyên, Câu lạc bộ các BQL Khu công nghiệp, Khu kinh tế các tỉnh thành phố phía Bắc đã tổ chức hội nghị lần thứ XVI. Tham dự hội nghị có 30 đơn vị hội viên là các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế từ Thừa Thiên Huế trở ra. 

Với chủ đề “Triển khai Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế”, hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được của Câu Lạc bộ và các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế phía Bắc trong năm 2017 và sáu tháng đầu năm 2018.

 Đối với Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, hội nghị đánh giá đã góp phần giải quyết một số hạn chế vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật đối với các Khu công nghiệp, Khu kinh tế; mặt khác bổ sung những quy định mới nhằm hoàn thiện thêm khung pháp lý liên quan đến các hoạt động của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Đến nay có nhiều đơn vị trong Câu Lạc bộ đang tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, bộ máy để tham mưu trình UBND các tỉnh có quyết định ban hành bổ sung, sửa đổi để thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện qua thực tế có những khó khăn, vướng mắc như sau:

1. Về sắp xếp tổ chức, bộ máy Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế:

Do Nghị định số 82/2018/NĐ-CP chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế vẫn trong tình trạng bị một số luật khác chi phối, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và bị động trong việc hướng dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

          Đến nay, đa số các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, để thực hiện quy định của Nghị định 82 về việc bố trí tối thiểu từ 07 biên chế trở lên trong 01 phòng chuyên môn, hầu hết các đơn vị sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong khi số lượng biên chế được giao ít, gây nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc liên tục kiện toàn tổ chức bộ máy của các Ban trong một thời gian ngắn dẫn đến xáo động về mặt tổ chức và tâm lý của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trực thuộc.

          Ngoài ra, đối với các tỉnh thuộc khu vực biên giới phía Bắc, để quản lý, điều hành, mỗi cửa khẩu đều phải bố trí một Văn phòng đại diện Ban Quản lý (hoặc Ban quản lý cửa khẩu), mặc dù không đảm bảo tiêu chí 7 biên chế trở lên song cũng không thể sáp nhập do các cửa khẩu nằm cách xa nhau về mặt địa lý. Mặt khác, đối với khu kinh tế có các cửa khẩu biên giới đất liền còn phải thực hiện các nội dung về tổ chức, bộ máy theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Như vậy, tồn tại sự không thống nhất giữa mô hình Ban quản lý cửa khẩu và Văn phòng đại diện tại cửa khẩu. Điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị.

2. Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế:

           Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, đối với Khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 200ha trở lên phải xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành Trung ương về quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc này dẫn đến mấy nhiều thời gian khi triển khai thực hiện (Theo Nghị định 29, KCN có diện tích từ 500ha trở lên mới phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt). Cũng theo Nghị định một trong những điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp là "Tổng diện tích đất công nghiệp của các Khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%". Điều này gây khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp khác của các địa phương.

           Nghị định không đề cập đến việc xác nhận hợp đồng về bất động sản cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý việc cho thuê lại đất của nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, Khu kinh tế (có đúng quy định hoặc có tranh chấp không?). Đồng thời nghị định không đề cập đến việc giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT như quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008. Do đó, cần quy định rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong Khu kinh tế.

           Ngoài ra, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền trong việc ủy quyền cho các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế thực hiện một số nhiệm vụ, dẫn tới cùng một nhiệm vụ nhưng có nơi Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế được ủy quyền, có nơi chưa được ủy quyền, tùy thuộc vào quan điểm của từng địa phương. Bên cạnh, các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế vẫn không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn tới hiệu quả quản lý nhà nước Khu công nghiệp, Khu kinh tế chưa cao.

          Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, hội nghị đã kiến nghị các bộ, ngành sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cụ thể:

          - Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV). Trong đó cần quan tâm đến các tiêu chí như kết quả xếp hạng, phạm vi quản lý, số chỉ tiêu biên chế được giao của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế hiện nay để có quy định cụ thể, thống nhất về các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như số lượng biên chế trong mỗi phòng cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các Ban Quản lý thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ" và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

          - Đề nghị Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn cụ thể về đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức đối với các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Trên cơ sở đó, cần định hướng cụ thể số lượng biên chế cho phù hợp nhằm đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời hướng dẫn cụ thể cơ cấu tổ chức bộ máy của mô hình Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu, chức năng, nhiệm vụ Ban quản lý cửa khẩu theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

          - Đề nghị Bộ Công thương công bố tiêu chí, điều kiện cần đáp ứng đủ để các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế được ủy quyền cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế về việc cấp Giấy phép và các giấy tờ có giá trị tương đương đối với việc kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương cũng như việc thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở tại Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

          - Đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 63, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

          - Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 63, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Đồng thời ban hành hướng dẫn về việc quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với các Khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, chưa thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp).

          - Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động quy định tại điểm c khoản 3 Điều 63, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

- Đề nghị Bộ Tài chính cho phép cơ quan thuế tiếp tục thực hiện việc xác định và thông báo số tiền phải nộp đến người sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đất nằm trong KKT nhưng ngoài các phân khu chức năng mà cấp có thẩm quyền không giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế./.

 

Minh Tuấn - Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 661