Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Ghi nhận nhiều nỗ lực
Theo kết quả xếp hạng PAR INDEX cấp tỉnh năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là TP. Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 84,43%, tăng 0,72%.
Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 13 trên toàn quốc, đạt 83,06 điểm (tăng 4,06 điểm), tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2018 (79,00 điểm) và được đánh giá là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây.
Với những việc làm thiết thực, đến nay, tỉnh đã dần khẳng định thế mạnh về xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đô thị thông minh (ĐTTM). Theo đó, tỉnh đã triển khai đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu theo Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CQĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Trên cơ sở đó, dần đưa các hoạt động trên nền tảng CQĐT vào nề nếp và trở thành nhu cầu thiết yếu của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Nổi bật là hệ thống làm việc trên môi trường mạng được vận hành một cách thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, với 100% CBCCVC triển khai hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Hệ thống họp trực tuyến đã hình thành một mô hình mới rất hiệu quả, giảm chi phí và thời gian hội họp, đồng thời cũng phát huy được giá trị hiệu quả và nâng cao chất lượng của các cuộc họp.
Dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến đã dần đi vào đời sống xã hội, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh là 30,36%; trong 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh đạt tỷ lệ 33,20% hồ sơ trực tuyến (9.474/28.545 hồ sơ). Về bưu chính công ích, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế để khuyến khích người dân tham gia giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) đã đưa vào thí điểm và vận hành 14 dịch vụ ĐTTM. Qua đó, làm thay đổi và nâng cao chất lượng quản lý cũng như tăng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền. Mới đây, dịch vụ Phản ánh hiện trường của IOC đã được nhận giải thưởng Sao Khuê năm 2020 trong lĩnh vực dịch vụ, chuyển đổi số.
Giám đốc IOC Nguyễn Dương Anh đánh giá, mô hình chỉ đạo trên môi trường mạng được phát huy tối đa, các ý kiến chỉ đạo thông qua môi trường mạng được các cấp, các ngành thực thi ngay tức thì, giảm thiểu các hoạt động chỉ đạo bằng văn bản hành chính thông thường. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp đã tập trung về một đầu mối duy nhất, thời gian xử lý giảm hơn 70% đối với các vụ việc thông thường. Mức độ hài lòng của người dân tăng trên 70%. “Đặc biệt, IOC đã chứng minh được hiệu quả vô cùng to lớn trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua thông qua việc kích hoạt triển khai đồng thời 14 ứng dụng thông qua nền tảng Hue-S”- ông Nguyễn Dương Anh khẳng định.
Số hóa các thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Để đạt được kết quả nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực, loại bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch. Đồng thời, khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh kế - xã hội.
Thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục xem CCHC là nhiệm vụ thường xuyên và là giải pháp quan trọng làm cơ sở chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác CCHC, trọng tâm là đổi mới sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế tại các bộ phận, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng CQĐT, dịch vụ ĐTTM, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện CCHC.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (chỉ số SIPA) Thừa Thiên Huế đạt 78,37 điểm, xếp thứ 57/63. Chỉ số SIPAS nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, cơ quan hành chính Nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Nguồn : baothuathienhue.vn