Thực hiện Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 – 2025 với những mục tiêu cụ thể:
- Về cải cách thể chế, chú trọng tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, lao động... để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội Khu kinh tế, các Khu công nghiệp. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra các văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành nhằm góp phần tham mưu cho tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm soát chặt chẽ các TTHC trong quá trình tham mưu xây dựng, ban hành VBQPPL. Chỉ đạo thực hiện tốt rà soát, đề xuất kiến nghị đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những TTHC không cần thiết, cắt giảm đáng kể chi phí trong thực hiện các TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để thu hút tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.
- Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý, trên cơ sở đó quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các VP đại diện theo đúng các văn bản pháp luật; Nghị định của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh. Sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức theo đúng Đề án vị trí việc làm đã được UBND tỉnh phê duyệt, gắn với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế; sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định.
- Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, chuyển đổi, thay đổi vị trí công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước gắn với tiêu chuần của ngạch công chức, tiêu chuần chức vụ lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm.
- Về cải cách tài chính công, tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả công tác cải cách tài chính công tập trung vào các nội dung như: triển khai trên diện rộng cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ ; hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách ở các đơn vị…
Triển khai, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, đặc biệt là công tác lập và quyết toán ngân sách nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động giám sát đối với việc quản lý sử dụng ngân sách của cán bộ. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý ngân sách theo hướng giảm dần việc quản lý ngân sách theo định mức đầu vào, hướng tới xây dựng và quản lý ngân sách, tài chính công theo đầu ra.
Về hiện đại hóa hành chính, thực hiện đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của đơn vị; Tập trung số hóa toàn bộ văn bản đi, văn bản đến, xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; Tiếp tục ứng dụng, khai thác hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh như: CSDL danh mục thủ tục hành chính; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL tài sản công; CSDL GIS Huế...; phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng để phục vụ người dân và các tổ chức tốt hơn, thúc đẩy CCHC và nâng cao chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) của Ban.