Tìm kiếm tin tức
Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển để đưa Thừa Thiên Huế phát triển lên tầm cao mới
Ngày cập nhật 21/12/2022
Cảng Chân Mây có vị trí quan trong trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Thừa Thiên Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi, triển vọng hình thành phát triển ngành kinh tế biển mạnh gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển có tầm mức quốc tế cao của quốc gia.

 
 

 

Kinh tế biển và đầm phá: Động lực phát triển của tỉnh

Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung Bộ với 128 km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường biển Đông. Tỉnh có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển của tuyến hành lang xuyên Á Đông – Tây qua Bắc Thái Lan – Nam Lào – Miền Trung Việt Nam, một cửa ngõ ra biển của khu vực Bắc Tây Nguyên; lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc – Trung – Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển động lực phát triển Miền Trung.

Vùng đầm phá Tam Giang là một đặc trưng của tỉnh, có tiềm năng to lớn về hải sản, hơn 500 loài cá trong đó 30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao, năng suất khai thác bình quân gần 40.000 tấn/năm.

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong những năm qua, kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển của Tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo ông Phan Quý Phương, xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển của Tỉnh, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt khởi công xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An.

Bước đầu phát triển công nghiệp ở khu vực ven biển, đầm phá Phú Đa, Phú Lộc, Phong Điền; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đánh bắt thủy sản, chế biến thủy sản; các dự án năng lượng tái tạo đã được cấp phép và nghiên cứu ở khu vực Phong Điền, Phú Lộc. Du lịch đầm phá và ven biển ngày càng phát triển, dần thành ngành kinh tế chủ lực. Nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản, … tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.

 

Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển,  Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Với những mục tiêu và định hướng đó, ông Phan Quý Phương khẳng định, Tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau để xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế gắn với phát triển kinh tế biển.

Xây dựng các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết liên quan đến phát triển vùng biển và ven biển cùng kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Triển khai thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 và Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, Tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu", ông Phan Quý Phương nói.

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm: hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; nâng cấp công suất cảng hàng không quốc tế Phú Bài; nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng Container, cảng du lịch (đầu tư bến số 4, 5, 6, 7, 8) và cảng Phong Điền, khu neo đậu trú bão khu vực Thuận An..

Theo : https://baochinhphu.vn/

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 14