Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP có một số điểm mới, đáng chú ý, tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Bao gồm, nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; và nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Cụ thể, đối với nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi 3 điều, bãi bỏ 3 điều, thay thế 3 Mẫu về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách như quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách; đơn giản hóa phương pháp đánh giá tác động của chính sách để tăng cường tính chủ động, linh hoạt của cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL; bãi bỏ một số quy định về đánh giá tác động của chính sách không khả thi hoặc đã được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL…
Đồng thời, Nghị định cũng sửa đổi một số quy định về lấy ý kiến đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPLtheo hướng quy định hợp lý hơn các đối tượng gửi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và trao quyền chủ động cho cơ quan lập đề nghị trong việc xác định cơ quan, tổ chức cần lấy ý kiến đảm bảo huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP xác định rõ, đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo mà phát sinh yêu cầu cần áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL để văn bản có hiệu lực ngay để xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.
Ở nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi một số quy định như quy định trách nhiệm công bố danh mục nghị quyết của HĐND quy định chi tiết hết hiệu lực nhằm giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương trong việc công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực.
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác rà soát văn bản, Nghị định quy định rõ, định kỳ 3 năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát theo lĩnh vực, địa bàn quản lý và định kỳ 5 năm, Chính phủ xem xét, trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng rà soát hệ thống văn bản.
Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp cần phải thay thế, bãi bỏ thông tư liên tịch mà trước đây chưa có hướng dẫn, gây ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Quy rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì trong xây dựng, ban hành văn bản
Đặc biệt, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định trong việc nghiên cứu hồ sơ dự thảo VBQPPL và phát biểu ý kiến thẩm định theo các nội dung yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL.
Cạnh đó, Nghị định sửa đổi để quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong việc cử thành viên tham gia Ban soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ; Tổ biên tập có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL trước cơ quan chủ trì soạn thảo; mối quan hệ giữa Ban soạn thảo, Tổ biên tập với cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thi hành VBQPPL; quy định rõ cơ quan chủ trì lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL…
Với các quy định như trên, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP khi có hiệu lực sẽ góp phần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; cũng như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2024.