Hội thảo do Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh tổ chức. Tham dự hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; các Sở, ban, ngành liên quan; đại diện UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và khoảng 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ 20/63 tỉnh thành, tăng 10 bậc so với 2018. Đạt được kết quả này một phần là nhờ sự cải thiện chỉ số đào tạo lao động của tỉnh trong năm 2019 qua, tăng 28 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 7/63 tỉnh thành. Trong năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu xếp hạng top 5 trong các tỉnh, thành cả nước.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc, ba chỉ tiêu thành phần của chỉ số đào tạo lao động cần tập trung phát triển trong năm 2020 là sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm và chi phí dành cho đào tạo lao động. Vì vậy, thời gian đến, các Trung tâm dịch vụ việc làm, giới thiệu việc làm và dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải chú trọng nâng cao dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa việc thành lập các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm đồng thời tổ chức đối ngoại giữa các đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm, cung ứng lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức.
Tại Hội thảo, đại biểu đã tập trung thảo luận các chỉ số thành phần "đào tạo lao động" năm 2019 thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề nghiệp,thu hút nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Cung - Cầu lao động năm 2019, dự báo các ngành nghề thu hút nhân lực cao đáp ứng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các giải pháp thúc đẩy người lao động tìm được việc làm thông qua hệ thống trực tuyến. Đề xuất những mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN sau thời gian bị ảnh hưởng dịch, bệnh Covid -19 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động sau khi tham gia học nghề có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là có sự tham dự của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã cho thấy sự quan tâm cũng như mong muốn đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển và cải thiện chất lượng chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến, góp phần nâng hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 cao hơn năm trước.
Dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp và hệ thống cơ quan Nhà nước các cấp trong phát triển đào tạo kỹ năng nghề nghiệp (ảnh dưới).
Theo : thuathienhue.gov.vn