Đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Trước thực trạng nguồn nhân lực CNTT thiếu và chất lượng nguồn nhân lực CNTT ra trường vẫn còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu của doanh nghiệp trong khi công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ĐH Huế cùng các đơn vị đào tạo đang thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đa dạng ngành nghề phục vụ chuyển đổi số.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế cho biết, hiện nay, ĐH Huế có đến 6 đơn vị đào tạo về CNTT, gồm: Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Trường Du lịch, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế. Tất cả đơn vị thành viên ĐH Huế đã được kiểm định chất lượng giáo dục đảm bảo cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Ngoài trình độ đào tạo ở cả bậc ĐH và sau ĐH với nhiều ngành học, phục vụ tương đối đầy đủ sự phát triển của lĩnh vực CNTT, ĐH Huế còn xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ cho người học, như: lập trình viên, quản trị mạng/an ninh mạng, khai phá dữ liệu, học máy, phân tích mạng xã hội. “Năm 2022, quy mô đào tạo bậc ĐH là 1.500 sinh viên, 100 thạc sĩ và 20 tiến sĩ. Quy mô tuyển sinh 1.000 sinh viên bậc ĐH, 50 thạc sĩ và 10 tiến sĩ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đóng góp lớn trong việc thực hiện đề án 10.000 nhân lực CNTT của tỉnh đến năm 2025”, PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết.
Cùng với ngành CNTT, các đơn vị đang đào tạo trực tiếp đào tạo và chuyển giao nhiều lĩnh vực quan trọng góp phần thành công cho công cuộc chuyển đổi số trên toàn quốc và từng bước hội nhập quốc tế, như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; IoT & Robotics; tự động hóa và công nghệ số; điện - điện tử viễn thông; kỹ thuật phần mềm; an toàn thông tin và an ninh mạng; thương mại điện tử; marketing số; tài chính - kế toán số; truyền thông đa phương tiện; mỹ thuật số; du lịch điện tử; báo chí và truyền thông; công nghệ truyền thông số.
Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế, trong quá trình chuyển đổi số, cơ hội việc làm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực CNTT mà mở rộng ra các ngành nghề khác trong xã hội cần ứng dụng CNTT. Điển hình, các lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp, các ngành học về điện - điện tử và kỹ thuật điều khiển tự động hóa luôn đóng góp như là công cụ hỗ trợ cho việc truy cập trong thời gian thực vào dữ liệu cũng như quá trình vận hành hoạt động sản xuất. Các công cụ kỹ thuật đó giúp cho việc tối ưu quá trình kết nối giữa các bộ phận của một doanh nghiệp hay tổ chức. Vì vậy, đơn vị đào tạo chú trọng tìm kiếm nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, tăng tỷ lệ thực hành trong chương trình đào tạo, gắn với mô hình của doanh nghiệp vào đào tạo.
Đại học Huế ký kết hợp tác với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam
Hợp tác doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần giới trẻ
Mới đây, trong khuôn khổ tuần lễ chuyển đổi số của tỉnh (17 - 19/8), ĐH Huế đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Nhiều nội dung được cả hai bên tập trung thực hiện, trong đó sẽ gắn kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực tập, tuyển dụng; tổ chức các sự kiện hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật, trao đổi thông tin, giao lưu, ngày hội việc làm, giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, định hướng phát triển của Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Tỉnh cũng nỗ lực xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và nguồn lực CNTT trong kinh tế số rất quan trọng. Thời gian qua, làn sóng đầu tư về Huế, trong đó có các nhà đầu tư về CNTT với những tín hiệu tích cực. Vai trò hợp tác của các đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp rất quan trọng và tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị phát triển, cùng đóng góp xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển. Lãnh đạo tỉnh mong muốn có nhiều startup công nghệ được nuôi dưỡng và hình thành từ các bạn trẻ qua quá trình học tập, đào tạo và rèn luyện trong môi trường ĐH Huế.
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, ĐH Huế đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy các hoạt động như học kỳ trong doanh nghiệp một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên trong quá trình học tập và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận sớm nguồn nhân lực tại địa phương.
ĐH Huế cũng chú trọng nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ giảng dạy, thông qua việc giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước có nền CNTT tiên tiến, như: Mỹ, Nhật Bản, Áo, Anh, Pháp… Đồng thời, sẽ quan tâm khơi dậy tinh thần giới trẻ trong chuyển đổi số với các chương trình cố vấn, đào tạo sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực liên quan.
Theo: bao thuathienhue.vn