Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045
Ngày cập nhật 14/12/2023

Thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000; trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án quy hoạch và triển khai tổ chức lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh nội dung đồ án quy hoạch và được UBND tỉnh thông qua tại Thông báo số 442/TB-UBND ngày 30/11/2023 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại cuộc họp nghe báo cáo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Thực hiện quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014.

 

Ngày 13 tháng 12 năm 2023 tại hội trường Cảng Chân Mây, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phối hợp với UBND huyện  Phú Lộc, UBND xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thủy và Thị Trấn Lăng Cô và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức  tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045.

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006, bao gồm: thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; có diện tích đất tự nhiên là 27.108 ha. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 08/8/2019; theo đó, tính chất phát triển của Khu kinh tế được xác định là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao. Đến nay, tại Khu kinh tế Chân Mây  Lăng Cô đã thu hút và triển khai nhiều dự án có quy mô lớn như Laguna Lăng Cô, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; các bến cảng tại Khu bến Chân Mây,.. với tổng số vốn đăng ký khoảng gần 4 tỷ USD, Khu kinh tế là trọng điểm khu hút đầu tư phát triển của tỉnh, đồng thời được xác định là động lực quan trọng để góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ở giai đoạn đến năm 2025.

Đến nay, đã hơn 15 năm tổ chức thực hiện theo đồ án quy hoạch chung được phê duyệt tại Quyết định 1771/QĐ-TTg, do đó, cần rà soát lại tổng thể toàn bộ các vấn đề liên quan đến định hướng phát triển, phân khu chức năng, khả năng tác động của các dự án đầu tư đã có với các khu vực chưa triển khai xây dựng để có cơ sở xem xét toàn diện các nội dung ở thời kỳ quy hoạch tiếp theo phù hợp với bối cảnh mới. Theo Điều 26 Luật Xây dựng, thời hạn quy hoạch chung của khu chức năng là 20-25 năm. Hiện nay, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chỉ dự báo đến năm 2025, đã gần hết thời hạn quy hoạch. Như vậy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, đất đai không còn đảm bảo tính định hướng cho đầu tư và quản lý kiểm soát của quy hoạch. Các dự báo với mốc thời gian đến năm 2025 cũng không còn phù hợp, đồng bộ với số liệu dự báo quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai.Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị trực thuộc Trung ương; các quy hoạch này xác định tầm nhìn phát triển giai đoạn mới cho Tỉnh, trong đó bao gồm cực tăng trưởng quan trọng là Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Như vậy, Khu kinh tế cũng cần có các nghiên cứu thích hợp làm cơ sở để cập nhật vào Quy hoạch chiến lược đang thực hiện, đồng thời cụ thể các chủ trương phát triển của Tỉnh vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch chung hiện hành đã có một số bất cập nảy sinh so với thực tiễn như: Khu phi thuế quan có diện tích lớn, không đủ cơ sở hình thành và không còn phù hợp với thực tiễn phát triển tại các khu kinh tế ven biển được duyệt giai đoạn hiện nay; cần bổ sung các chức năng mới mang tính đột phá chưa có trong quy hoạch hiện tại như công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí LNG,… làm rõ tính chất chức năng của khu vực định hướng là khu công nghiệp kỹ thuật cao. Một số công trình giao thông, hạ tầng quan trọng cấp quốc gia được triển khai qua khu vực Khu kinh tế như: Đường sắt tốc độ cao, hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, đường dây 500KV, điều chỉnh cảng Chân Mây,... Các dự án nêu trên cũng cần được cập nhật đồng bộ vào quy hoạch.

Xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển và các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt; kế thừa các nội dung và định hướng còn phù hợp của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng; Chú trọng phát triển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên và bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, hình thành cực tăng trưởng tầm cỡ khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Trung Bộ và cả miền Trung; Gắn phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch với phát triển đô thị; lồng ghép, thúc đẩy các mô hình mới về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. 

 Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch

Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút công nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ cũng như phát triển đô thị;

Tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng tiếp cận nhanh về hàng hóa và dịch vụ với vùng và quốc tế với nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao và nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại;

Xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu kinh tế có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả;

Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Hình ảnh lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 37.847
Truy cập hiện tại 1.197