Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017
Ngày 17 tháng 11 năm 2016, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch (số 167/KH-UBND) tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Theo đó, sẽ tăng cường tuyên truyền CCHC trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp; Thực hiện công khai TTHC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của tổ chức, công dân và doanh nghiệp về TTHC. Trong đó tập trung đưa thông tin về CCHC một cách thích hợp trong các buổi giao ban, họp định kỳ của cơ quan, đơn vị; lồng ghép trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ quan, đơn vị. Niêm yết công khai, đầy đủ và thường xuyên cập nhật TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Cổng/Trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc việc cập nhật dữ liệu TTHC vào cơ sở dữ liệu thông qua Hệ thống thông tin thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 25/2/2016 của UBND tỉnh. Tổ chức việc tiếp nhận ý kiến nhận xét, đóng góp, kiến nghị của tổ chức, công dân về TTHC theo quy định tại Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 11/2/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 05/3/2015 của UBND tỉnh về ban hành Quy định khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lồng ghép nội dung CCHC trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngoài ra, sẽ xây dựng chuyên trang, chuyên mục CCHC trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng chuyên mục tuyên truyền CCHC trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, website của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp. Duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh theo Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 17/9/2013 của UBND tỉnh. In ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền về CCHC…
Tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật
Nhằm hưởng ứng, tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12/2016, ngày 18 tháng 11 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 7180/UBND-XH yêu cầu các sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên quan, UBND thành phố Huế các thị xã và các huyện tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về lĩnh vực người khuyết tật; có hành động thiết thực hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tiếp cận và sử dụng các phương tiện giao thông và công trình xây dựng công cộng, hòa nhập cộng đồng.
Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Có nhiều hình thức kết nối người khuyết tật với cơ sở sản xuất - kinh doanh để tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật có việc làm.
Tạo điều kiện để thành lập và hoạt động các tổ chức Hội Người khuyết tật ở các cấp, thành lập các nhóm tự lực của người khuyết tật về dạy nghề, sản xuất kinh doanh tạo việc làm, các hoạt động văn hóa, tinh thần… tại địa bàn để người khuyết tật tự khẳng định mình, tự tin hơn và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Tổ chức cho người khuyết tật tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí: tổ chức các buổi nói chuyện tọa đàm, tham quan các di tích văn hóa lịch sử... nhằm động viên khích lệ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật (03/12/2016), tổ chức các hoạt động thiết thực như: tặng quà, phát học bổng, xe lăn, xe lắc, sinh hoạt văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao, họp mặt biểu dương những người tốt, việc tốt…, động viên, thăm hỏi những người khuyết tật có ý chí phấn đấu vươn lên trong lao động, học tập và sản xuất tại địa phương và tại các Cơ sở Bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng Người khuyết tật trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, sở, ngành triển khai các nội dung trên; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật trước ngày 30/12/2016.
Phân bổ 87,58 tấn gạo hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường
Ngày 17 tháng 11 năm 2016, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2898/QĐ-UBND về việc hỗ trợ gạo cho người dân tại các địa phương ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Theo đó, phân bổ 787,58 tấn gạo từ nguồn Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế về các địa phương để hỗ trợ cho các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng hải sản chết bất thường. Cụ thể: Huyện Phú Vang là 384,97 tấn; Huyện Phú lộc là 310,97 tấn; Huyện Phong Điền là 36,62 tấn; Huyện Quảng Điền là 39,27 tấn; Thị xã Hương Trà là 15,75 tấn.
Định mức và thời gian hoàn thành việc cấp phát hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng: Cấp đủ số gạo còn lại nhằm đảm bảo thời gian hỗ trợ là 6 tháng, mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng; Thời gian hoàn thành việc cấp phát hỗ trợ gạo đến người dân: Trước ngày 30 tháng 11 năm 2016.
UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội phối hợp với Cục dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng lập thủ tục giao nhận số gạo cho các địa phương; đồng thời phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp kiểm tra và đôn đốc việc cấp phát, phân bổ gạo đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà căn cứ số gạo được phân bổ, số gạo còn dự trữ tại địa phương và tình hình thực tế nhân khẩu thuộc các hộ bị ảnh hưởng để cấp phát hỗ trợ, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định. Trường hợp không sử dụng hết số gạo được cấp (nếu có) phải có trách nhiệm hoàn trả để đưa vào dự trữ quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo an toàn thực phẩm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 7130/UBND-YT yêu cầu Công an tỉnh, các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ và các sở, ban ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, địa phương hàng quý, 06 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị gửi Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổng hợp, rà soát tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế theo quy định.
Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai các nội dung của Chỉ thị; tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực cấp huyện, xã theo quy định.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngày 14 tháng 11 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 7082/UBND-BTCD yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; các nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai chỉ đạo thực hiện tại Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012 “Về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh”, Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2014 “Về việc triển khai thực hiện Luật tiếp công dân”, Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 30/7/2012, Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 11/12/2013 và nhiều văn bản khác chỉ đạo việc rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật và phải từ cấp cơ sở; coi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của người có thẩm quyềm và trách nhiệm.
Chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo - nhất là trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm; kiên quyết xử lý các vi phạm và thông báo công khai trước nhân dân.
Chỉ đạo, đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp thuộc quyền thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo Ban tiếp công dân, Thanh tra cùng cấp, các cơ quan đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, công việc thường xuyên giao tiếp với công dân phải phân công, bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân thường xuyên trong các ngày làm việc để hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại cơ quan, đơn vị mình; tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tại Trụ sở tiếp công dân.
Khi xảy ra vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp; Chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân, đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Trường hợp công dân tập trung khiếu kiện ở các cơ quan Trung ương thì kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan liên quan cử cán bộ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức tiếp dấn, vận động, thuyết phục và có biện pháp đưa công dân trở về giải quyết tại địa phương - nhất là vào thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân giám sát công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động với phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, phát huy vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu qủa giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các địa phương nắm chác tình hình khiếu nại, tố cáo, không để bị động, bất ngờ; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền biện pháp xử lý những tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, trật tự. Nhà nước bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, nhưng kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để dư luận hiểu đúng tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo gây tác động tiêu cực tới dư luận, để các phần tử lợi dụng xuyên tạc, kích động.
Cho phép sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có các Công văn số 7003/UBND-DL; 7004/UBND-DL; 7005/UBND-DL; 7006/UBND-DL đồng ý cho phép Hội nghề kẹo mè xửng Huế sử dụng địa danh “Huế” để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “kẹo mè xửng” và xác nhận Bản đồ khu vực sản xuất, kinh doanh mè xửng Huế; cho phép Hội sản xuất chế biến ớt xã Phú Diên sử dụng địa danh “Phú Diên” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Ớt Phú Diên” và xác nhận Bản đồ vùng sản xuất, chế biến ớt xã Phú Diên; cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Hà sử dụng địa danh “Vinh Hà” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gạo Vinh Hà” và xác nhận Bản đồ khu vực sản xuất lúa gạo xã Vinh Hà; cho phép Hội sản xuất chế biến ớt xã Vinh Xuân sử dụng địa danh “Vinh Xuân” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Ớt Vinh Xuân” và xác nhận Bản đồ vùng sản xuất, chế biến ớt xã Vinh Xuân.