Tìm kiếm tin tức
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025
Ngày cập nhật 06/03/2017

Ngày 18/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. 

Theo đó, Chính phủ ban hành một số chính sách cụ thể để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu thuộc 03 lĩnh vực: 

- Lĩnh vực linh kiện phụ tùng:

Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

- Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày:

Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.

- Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao:

Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Tổng chi phí thực hiện Chương trình được phê duyệt là 2.018,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn Ngân sách nhà nước là 1.736,6 tỷ đồng, vốn khác là 281,7 tỷ đồng.

Nội dung hỗ trợ cụ thể trong Chương trình được thực hiện qua 02 giai đoạn như sau: 

1. Giai đoạn 2016 đến năm 2020:

a) Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Mục tiêu:

+ Xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam với các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài;

+ Dự kiến hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình, 130 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh;

+ Tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài định kỳ hàng năm. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các triển lãm quốc tế liên quan.

- Hoạt động chính:

+ Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Tổ chức đánh giá năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

+ Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

+ Lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế;

+ Tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

+ Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệphỗ trợ;

+ Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

+ Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ;

+ Tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Hỗ trợ tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước;

+ Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Kinh phí: 115 tỷ đồng, trong đó:

+ Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: 97,9 tỷ đồng;

+ Từ nguồn khác: 17,1 tỷ đồng.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

- Mục tiêu: Dự kiến 2.000 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, đào tạo hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất phù hợp với yêu cầu quốc tế và áp dụng thành công tại 1.500 doanh nghiệp.

- Hoạt động chính:

+ Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp;

+ Xây dựng kế hoạch, biên dịch, biên soạn tài liệu về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất để đào tạo cho các doanh nghiệp;

+ Tổ chức đánh giá công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất.

- Kinh phí: 231,7 tỷ đồng, trong đó:

+ Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: 196,9 tỷ đồng;

+ Từ nguồn khác: 34,8 tỷ đồng.

c) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Mục tiêu: Dự kiến khoảng 500 doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

- Hoạt động chính:

+ Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

+ Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ các cán bộ quản lý nhà nước; các cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; các cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại.

- Kinh phí: 100,9 tỷ đồng, trong đó:

+ Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: 85,8 tỷ đồng;

+ Từ nguồn khác: 15,1 tỷ đồng.

d) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

- Mục tiêu: Dự kiến hỗ trợ khoảng 1.000 doanh nghiệp có chức năng nghiên cứu và áp dụng thành công 500 doanh nghiệp được ứng dụng, đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tham gia Chương trình.

- Hoạt động chính:

+ Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Hỗ trợ xây dựng và công bố tiêu chuẩn về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng; xây dựng công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;

+ Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước;

+ Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

+ Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thửnghiệm;

+ Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực;

+ Hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức, cá nhân đã tự đầu tư nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng vào sản xuất có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế;

+ Hỗ trợ mua trang thiết bị chính cho các phòng thử nghiệm để nâng cao năng lực các Trung tâm phát triển công nghệ hỗ trợ theo Đề án do Bộ Công Thương phê duyệt;

+ Hỗ trợ xây dựng tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp về công nghệ và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

- Kinh phí: 625,4 tỷ đồng, trong đó:

+ Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: 531,2 tỷ đồng.

+ Từ nguồn khác: 94,2 tỷ đồng.

đ) Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

- Mục tiêu: Công bố thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và xuất bản ấn phẩm về công nghiệp hỗ trợ.

- Hoạt động chính:

+ Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về năng lực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và chính sách liên quan, tập trung vào các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, đóng tàu;

+ Mua thông tin dữ liệu cần thiết;

+ Cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Tổ chức hội thảo hàng năm công bố thông tin về năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ quốc gia;

+ Xuất bản các ấn phẩm về công nghiệp hỗ trợ;

+ Duy trì và vận hành trang thông tin điện tử về công nghiệp hỗ trợ;

- Kinh phí: 74,6 tỷ đồng, trong đó:

+ Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước: 74,6 tỷ đồng;

+ Từ nguồn khác: 0 đồng.

e) Kinh phí thực hiện giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

- Kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 1.147,6 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách nhà nước là 986,4 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 161,2 tỷ đồng.

(Chi tiết dự toán tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này).

- Hàng năm, căn cứ vào Chương trình và đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách để thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (đối với kinh phí Trung ương); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, dự toánkinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.

- Nguồn vốn khác:

+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;

+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và nguồn vốn ODA;

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai các nội dung của Chương trình.

2. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở rà soát đánh giá kết quả thực hiện, bao gồm:

a) Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

c) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

d) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

đ) Cập nhật thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

e) Kinh phí thực hiện giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.

Để tìm hiểu chi tiết nội dung Chương trình và đăng ký nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, các cá nhân, tổ chức nghiên cứu các file đính kèm bên dưới./.

Tập tin đính kèm:
Nguyễn Hữu Hoài Linh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 36.695
Truy cập hiện tại 141